Cha mẹ thường lo lắng khi thấy trẻ vận động nhiều hơn ngồi học bài hay đọc sách. Tuy nhiên, yêu thích vận động sẽ mang đến những lợi ích không ngờ cho sự phát triển toàn diện của bé.
- Tăng cường sức khỏe
Việc chạy nhảy, leo trèo, tập thể dục và các hoạt động văn hóa thể thao sẽ giúp bé duy trì được chỉ số cân nặng hợp lý và giúp giải phóng năng lượng. Các hoạt động thể chất đảm bảo năng lượng hấp thụ từ thức ăn cân bằng với năng lượng tiêu hao, nhờ vậy bé tránh được tình trạng béo phì hay các nguy cơ về tim mạch. Trong quá trình vận động, lượng oxi được trao đổi nhiều hơn, máu lưu thông tốt hơn. Vì vậy, bé luôn tràn đầy năng lượng mỗi khi tham gia một hoạt động vận động.
- Phát triển hệ xương
Trẻ vận động nhiều sẽ có hệ xương chắc khỏe và giảm nguy cơ loãng xương. Thường xuyên vận động sẽ giúp cơ bắp thêm săn chắc và dẻo dai, khớp sụn linh hoạt. Đặc biệt, các hoạt động như đu xà, duỗi thẳng cột sống, nhảy dây, chạy bộ hay bơi lội giúp trẻ cải thiện chiều cao đáng kể. Với môn bơi, trong quá trình tập tất cả các bộ phận cơ thể phối hợp nhịp nhàng trong môi trường nước – môi trường có tác dụng như một lớp đệm, làm giảm áp lực cho xương khớp của trẻ. Do đó trẻ trỏe nên dẻo dai, bền sức hơn. Với hoạt động chạy bộ, nhảy dây, bàn chân trẻ được tiếp xúc với mặt đất nên tạo ra nhiều kích thích tăng cường sức mạnh cho xương và các khớp.
Trẻ tập luyện tập nhảy dây có thể cải thiện chiều cao
- Giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Thật bất ngờ khi trẻ vận động thường xuyên có thể giúp trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Những hoạt động thể chất cần sự tham gia hoạt động của nhiều bộ phận cơ thể trong khi não bộ cần điều khiển để sự phối hợp này nhịp nhàng, do đó trẻ không còn thời gian suy nghĩ về những cảm xúc tiêu cực. Mặt khác, khi tập trung vận động, não bộ trẻ sản xuất chất endorphin – một loại chất tăng cường cảm giác thư giãn và hạnh phúc – chất này sẽ có tác dụng ức chế những cơn tức giận hay cảm xúc buồn chán của trẻ.
Trẻ thường vui vẻ khi vận động cùng bạn bè
- Rèn luyện sự tự tin
Với những trẻ được cha mẹ đánh giá là “nhát” hay chưa tự tin, nên khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao. Cha mẹ có thể tham khảo rất nhiều môn thể thao để chọn ra một môn phù hợp với trẻ: võ thuật, múa, bơi… Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ chơi nhiều trò chơi vận động với các bạn. Khi tập các môn thể dục thể thao hay chơi các trò chơi vận động, trẻ sẽ khám phá được thêm nhiều khả năng của bản thân cũng như được học hỏi và giao lưu với các bạn. Cảm giác biết thêm một điều mới, chinh phục được một môn thể thao sẽ giúp trẻ tự tin hơn.
- Hình thành nhân cách tốt
Vận động và rèn luyện thể dục thể thao giúp trẻ hình thành nhân cách tốt. Những tính cách như sự kiên trì, lòng dũng cảm, tinh thần đồng đội, tính kỷ luật, sự tập trung, lòng trung thực … có thể được hình thành qua các bài tập hoặc các trò chơi vận động. Với trẻ mầm non, khi thể chất và hệ thần kinh đang dần hoàn hiện, các hoạt động thể dục thể thao, vận động thể chất có tác động rất tích cực hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ. Bên cạnh đó, trong quá trình rèn luyện, trẻ dần hình thành thói quen quan sát, tư duy so sánh, phân tích, đánh giá các vấn đề và tự mình tìm cách giải quyết.
Với những lợi ích tuyệt vời đó, cha mẹ nên khuyến khích con vận động và tham gia hoạt động thể dục thể thao. Kiến thức sách vở rất quan trọng, nhưng để có thể tiếp thu hiệu quả và ứng dụng những kiến thức này, trước hết trẻ cần một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần sảng khoái luôn tràn đầy năng lượng với cuộc sống.