Dân tộc Kinh là cộng đồng lớn nhất cả nước chiếm khoảng 90% dân số trên khắp cả nước. Đây là một dân tộc không chỉ có bản sắc văn hóa rất độc đáo và khác biệt mà còn sở hữu các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả trong nước lẫn ngoài nước. Dưới đây là một số nét tiêu biểu phong tục tập quán dân tộc Kinh mà bạn có thể tìm hiểu nhé.
Phong tục tập quán của người Kinh
Phong tục ăn trầu
Tục ăn trầu từ thói quen đã trở thành dấu ấn văn hóa của con người Việt Nam, gắn liền với câu chuyện cổ tích Trầu Cau. Miếng trầu là hình ảnh thân thuộc xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt của người dân từ xưa. Các cụ hay nói “Miếng trầu là đầu câu chuyện” thể hiện sự hiếu khách, miếng trầu còn tượng trưng cho tình yêu lứa đôi, là sợi dây thắt chặt mối lương duyên trai gái, không những thế còn thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ đi trước nên trên mâm cỗ thờ cúng tổ tiên luôn có trầu cau,…
Xem thêm: Phong tục tập quán của người Tày
Mặc dù hiện nay tục ăn trầu không còn phổ biến như xưa nhưng đã trở thành phong tục tập quán tốt đẹp mãi lưu giữ trong tâm trí của người Việt.
Phong tục hút thuốc lào
Hút thuốc lào chính là nét văn hóa của tầng lớp xã hội làng quê ở thời kỳ phong kiến Việt Nam. Hầu hết nhà nào cũng có sự hiện diện của thuốc lào. Nếu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì hút thuốc lào là “khúc dạo đầu” cho những cuộc tương phùng, hội ngộ.
Lễ tết
Ngày tết lớn nhất trong năm chính là Tết Nguyên Đán. Ngoài ra, còn nhiều những ngày lễ, tết đặc trưng khác.
Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên Đán được người dân Việt Nam gọi là Tết ta để phân biệt với Tết dương lịch. Mỗi năm khi Tết đến, mọi thành viên trong gia đình được trở về sum họp dưới mái ấm, về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Trong đêm giao thừa – thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình sẽ làm lễ thắp hương cúng gia tiên để đón năm mới, tiễn năm cũ qua đi, cầu may mắn, tài lộc và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Tết Nguyên Tiêu
Tết Nguyên Tiêu chính là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Tùy vào phong tục tập quán của mỗi vùng miền mà mỗi gia đình sẽ có mâm cỗ cúng khác nhau để thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên, ông bà, cầu nguyện một năm mới an lành và nhiều tài lộc.
Tết Thanh minh
Tết Thanh minh (3/3) là dịp để con cháu hướng về tổ tiên nên con cháu cần về với gia đình để tảo mộ, sửa sang lại ngôi mộ của tổ tiên, đắp đất lên để nấm mồ được đầy đặn, làm sạch cỏ xung quanh và thắp hương, đốt vàng mã, thành tâm khấn cho những người đã mất.
Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch nhằm đánh dấu một giai đoạn mới mở đầu cho những may mắn, mùa màng được bội thu,… Trong ngày này sẽ có nhiều tục lệ khác nhau như giết sâu bọ, tắm nước lá mùi, nhuộm móng chân – móng tay, hái thuốc vào giờ Ngọ,…
Tết trung thu
Tết trung thu được gọi là ngày Tết của thiếu niên, nhi đồng được tổ chức vào rằm tháng tám mỗi năm. Các em thiếu nhi sẽ được rước đèn lồng, phá mâm cỗ và tặng quà,…
Tết ông Công ông Táo
Hay còn được gọi là tết Táo Quân, vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm, nhà nào cũng làm lễ cúng để tiễn Táo quân về trời tâu với Ngọc hoàng một năm vừa qua của gia đình mình.
Lễ hội truyền thống Việt Nam
Các lễ hội truyền thống từ lâu đã trở thành bản sắc văn hóa dân tộc của đất nước ta. Nét truyền thống đáng tự hào này là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi trái tim con người Việt Nam. Không những thế, các lễ hội này còn thu hút bạn bè, du khách từ khắp năm châu đến trải nghiệm. Mỗi miền, mỗi tỉnh thành trên đất nước lại có những lễ hội truyền thống mang các giá trị lịch sử khác nhau.
Xem thêm: Phong tục người Hoa
Lễ hội đền Hùng
Hội Đền Hùng thường diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 10 tháng 3 âm lịch nhằm tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vị vua hùng. Đền Hùng nằm ở trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì của tỉnh Phú Thọ. Lễ bắt đầu bằng việc dâng hương, đồ tế lễ gồm mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh dày nhằm nhắc lại sự tích Lang Liêu cũng như nhắc nhở lại công ơn của các vua Hùng đã dạy nhân dân trồng lúa nước. Phần trước có rước thần, rước voi, rước kiệu của nhiều làng, sau lễ tế sẽ tổ chức hát xoan ở đền Thượng, hát ca trù tại đền Hạ và các trò chơi dân gian khác.
Hội Lim
Hội Lim được mệnh danh là lễ hội truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bắc Ninh, là hội của các làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, thể hiện được nét văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của nhân dân xứ Kinh Bắc. Mỗi năm, Hội Lim được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch, bắt đầu bằng lễ rước với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, danh thần liệt nữ của quê hương.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có thêm thật nhiều những trải nghiệm văn hóa đa dạng của đất nước và có cho mình những chuyến tham quan, du lịch để tham gia vào những lễ hội thú vị đầy màu sắc này.