Tìm hiểu 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã đúc kết lại những truyền thống tốt đẹp và lưu truyền cho các thế hệ sau. Dưới đây là 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà các bạn có thể tìm hiểu.

Truyền thống tốt đẹp là gì?

Truyền thống tốt đẹp là những giá trị tinh thần (tư tưởng, tính cách, lối sống, cách ứng xử…) hình thành trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá trị truyền thống còn hình thành những thói quen sống, suy nghĩ tốt đẹp với mỗi cá nhân, nhất là thế hệ trẻ. Đây là tiền đề quan trọng để con người sống tốt và có ích cho xã hội, cho đất nước. 

Truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác, thông qua những cử chỉ, hoạt động và lời nói diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Thế hệ sau có một phần trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp do cha ông đã để lại. 

Giá trị truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác mang ý nghĩa tích cực. Đó cũng là sức mạnh để dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đối mặt với những kẻ thù xâm lăng trên mọi mặt trận. Truyền thống thể hiện ở nhiều lĩnh vực như tư tưởng, văn hóa, chính trị – xã hội, có tác động đến hành vi của con người, theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.  

1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc taTìm hiểu 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

Xem thêm: Những phong tục đón trẻ sơ sinh về nhà bố mẹ cần biết

Tìm hiểu 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là những giá trị tinh thần hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dưới đây là 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Truyền thống yêu nước

Tình yêu quê hương, đất nước ở mỗi dân tộc trên thế giới hoàn toàn không giống nhau, nhưng tựu chung lại sợi chỉ đỏ chủ nghĩa yêu nước là biểu hiện khát vọng và hành động luôn đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Truyền thống yêu nước của Việt Nam được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ những tình cảm rất đơn sơ, bình dị trong gia đình, làng xã và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc. Truyền thống ấy được lưu truyền lại qua các thế thệ sau thông qua những câu ca, lời ru, tiếng hát. 

Trong tiến trình phát triển của dân tộc, nhân dân ta đã phải trải qua thời gian dài chống giặc ngoại xâm và đấu tranh bảo vệ đất nước. Lịch sử thời kỳ nào cũng sáng ngời những tấm gương kiên trung, bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Với những gương mặt anh hùng tiêu biểu được ghi trong sử sách như Bà Trưng – Bà Triệu, Nguyễn Huệ, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…

Chính lòng yêu nước là nguồn sức mạnh vô địch để dân tộc ta vượt qua khó khăn và chiến thắng mọi kẻ thù. Trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Hay: “Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”. 

Truyền thống đoàn kết

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hình thành và phát triển trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đoàn kết trong lao động và sống thích ứng là những giá trị văn hóa truyền thống bền vững của dân tộc Việt Nam. 

Trong lịch sử đất nước từ xưa cho đến nay đã hình thành một cộng đồng dân tộc Việt Nam gắn bó keo sơn. Với vị trí địa lý là đầu mối giao thông quốc tế quan trọng, với nguồn tài nguyên phong phú, Việt Nam luôn là mục tiêu xâm lược của nhiều quốc gia. Từ lòng yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết của nhân dân ta đã tạo nên sức mạnh vô địch, giúp dân tộc ta đánh thắng các cuộc xâm lược của những kẻ thù hùng mạnh nhất và giữ gìn độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Truyền thống nhân nghĩa

Nhân nghĩa là lòng thương người, cư xử đúng chừng mực với mọi người, đối xử với người theo lẽ phải; có sự đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Lòng yêu thương và nghĩa tình được biểu hiện trong sự tương trợ, giúp đỡ nhau; có thể khoan dung cho cả những người đã từng lầm đường lạc lối biết lấy công chuộc tội.

Không chỉ biểu hiện trong đời sống, truyền thống nhân nghĩa còn được nâng lên thành những chuẩn tắc trong các bộ luật của Nhà nước; đồng thời là cơ sở của tinh thần yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Trong lịch sử, nhân dân ta luôn đề cao và coi trọng việc giữ tình hoà hiếu với các nước, tận dụng cơ hội có thể để giải quyết các xung đột bằng hòa bình.

Trong xã hội hiện nay, chúng ta thấy có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực. Việc chúng ta sống tử tế, yêu thương, đùm bọc những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ và từ đó xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.

1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc taTìm hiểu 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta

Xem thêm: Phong tục xăm mình của người Việt có ý nghĩa gì?

Truyền thống tôn sư trọng đạo

Truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam được biểu hiện ở thái độ tôn trọng thầy cô với những câu tục ngữ quen thuộc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”. 

Đất nước chúng ta có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tôn vinh những “người lái đò”, để các thế hệ học trò ghi nhớ công ơn dưỡng dục của thầy cô. Những tấm gương nhà giáo đáng kính: Nhà giáo Chu Văn An, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng lường Lương Thế Vinh, nhà bác học Lê Quý Đôn… Hay tinh thần của nghị lực phi thường vươn lên trở thành nhà giáo ưu tú – Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Truyền thống hiếu học

Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lịch sử khoa bảng của dân tộc Việt Nam còn lưu danh những tấm gương sáng ngời về ý chí và tinh thần ham học. Đó là  Mạc Đĩnh Chi vì nhà nghèo không thể đến lớp, chỉ đứng ngoài nghe thầy giảng, đêm đến phải học dưới ánh sáng của con đom đóm trong vỏ trứng, đã đỗ trạng nguyên và trở thành Lưỡng quốc Trạng nguyên (Trung Hoa và Đại Việt). Hay Nguyễn Hiền mồ côi cha từ nhỏ, theo học nơi cửa chùa và sau đó đã trở thành Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất trong lịch sử nước ta khi mới 13 tuổi.

Ngày nay, tại địa phương vùng sâu, vùng xa, chúng ta có thể thấy sự hiếu học ở những đứa trẻ phải đi xa hàng cây số, vượt qua mấy con suối, đường đèo có thể tới trường học chữ. Hay như những bạn trẻ làm rạng danh dân tộc, giành được huy chương trong các kỳ thi mang tầm cỡ quốc tế.

Truyền thống hiếu thảo

Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn đặt chữ “hiếu” làm cốt lõi phát triển của một con người. Biểu hiện lòng hiếu thảo của con cái đối với đấng sinh thành được bắt nguồn từ những câu ca dao quen thuộc: 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Lòng hiếu thảo được hiểu là tấm lòng yêu thương, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực với ông bà cha mẹ. Đây chính là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Truyền thống cần cù lao động

Người dân Việt Nam bao đời tự hào về truyền thống tốt đẹp chính là đức tính cần cù, chăm chỉ trong lao động sản xuất. Đất nước ta đi lên từ nền văn minh lúa nước, truyền thống ấy được biểu hiện rất đa dạng và rõ nét trong công cuộc cải tạo, chinh phục tự nhiên; là sự sáng tạo trong chế tác công cụ lao động. Đó cũng là việc hình thành các ngành nghề gắn với từng lợi thế của địa phương; là quá trình sản xuất vật chất phục vụ cuộc sống, phát triển xã hội…

Đối với mỗi người Việt, cần cù, siêng năng, sáng tạo trong lao động là điều phải làm vì có như vậy mới có của cải vật chất. Phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động của người Việt Nam luôn gắn với sự dành dụm, tiết kiệm và trở thành đức tính cần có như một lẽ tự nhiên.

Trên đây là 1 số truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về ý nghĩa của những truyền thống này.

Rate this post