Tại Việt Nam mỗi dân tộc đều có nét phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa của riêng dân tộc đó. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn đọc những phong tục tập quán của dân tộc Thái. Bạn đọc hãy cùng theo dõi nhé.
Những phong tục tập quán của dân tộc Thái
Thái là một trong 54 dân tộc tại Việt Nam và có dân số đông thứ 3. Với dân số rải rác khắp các tỉnh thành trên cả nước và cư trú tập trung tại các tỉnh như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Yên Bái, Lâm Đồng.
Nhà sàn của dân tộc Thái
Nhà sàn là biểu tượng, nét đẹp đặc trưng của dân tộc Thái với hình ảnh là những ngôi nhà làm bằng gỗ cao ráo, thoáng mát và đây cũng trở thành nếp sống quen thuộc của đồng bào người Thái.
Theo tương truyền từ xa xưa người Thái chưa biết làm nhà nhưng được một con rùa về báo mộng rằng hãy làm theo hình dáng của rùa. Theo đó nhà sàn được hình thành giống với 4 con rùa 4 trụ là 4 chân, ngói lợp là vảy. Chính vì vậy nhà sàn của người Thái thường nằm trên mặt bằng hình chữ nhật có lan can chạy phía trước hoặc xung quanh nhà với 4 mái vươn cao. Sau nhiều năm phát triển và thay đổi thì nhà sàn của người Thái đã có nhiều thay đổi để thích nghi với thiên nhiên. Nhà sàn cũng dần trở thành nét đẹp truyền thống gắn bó với người dân tộc Thái qua nhiều năm.
Tục chọc sàn của người Thái
Tục chọc sàn là những lời tỏ tình, giao duyên của các đôi trai gái dân tộc Thái khi đến tuổi “cập kê”.
Theo tục người Thái gian đầu thờ tổ tiên, gian tiếp bố mẹ ngủ, rồi đến gian con trai, con gái. Khoảng tầm 11 – 12 giờ đêm các chàng trai sẽ đến nhà cô gái bằng một đoạn gỗ để gõ lên khu nhà sàn cô gái đang ở để báo hiệu rằng mình đang chờ.
Với tục chọc sàn này chàng trai có thể ở bên dưới thổi sáo, đánh đàn như lời tỏ tình đến cô gái. Cô gái sẽ hỏi mấy câu để thăm dò qua sàn xuống dưới nếu có ý đáp trả hoặc mở cửa mời chàng trai vào nhà để tâm sự.
Sau 3 – 4 đêm trò chuyện như thế chàng trai sẽ hỏi cô gái về làm vợ, khi cô gái đồng ý chàng trai sẽ về nói bố mẹ đến hỏi cưới.
Một nét đẹp văn hóa trong tục chọc sàn là khi không được người con gái đáp lại, chàng trai cũng không bao giờ oán trách.
Trang phục của người Thái
Trang phục áo cỏn màu trắng, xanh bó sát thân với khuy bạc trắng, kết hợp cùng váy dài đen thêu viền hoa văn ở gấu là trang phục của người phụ nữ Thái. Đối với nam giới dân tộc Thái họ sẽ mặc chiếc áo thổ cẩm màu chàm xanh hoặc đen.
Phụ nữ Thái thường sử dụng các phụ kiện đi kèm như trang sức vòng bạc, hoa tai bằng vàng, xuyến bạc, khăn Piêu… Các phụ kiện đi kèm sẽ tôn lên vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, nữ tính của các cô gái Thái và đây là nét đẹp nổi bật trong tất cả các dân tộc khác ở Việt Nam.
Tằng cẩu
Tằng cẩu là phong tục của người phụ nữ Thái đen để phân biệt giữa người đã có chồng và chưa có chồng. Theo đó thì những người phụ nữ đã có chồng sẽ búi tóc lên đỉnh đầu để mang đến ý nghĩa thể hiện sự chung thủy, tôn trọng gia đình chồng của phụ nữ dân tộc Thái. Phụ nữ Thái nếu lấy chồng sẽ được tổ chức lễ tằng cầu trang trọng, lịch sự. Chỉ khi chồng chết họ mới bỏ tằng cẩu.
Xem thêm:
- Phong tục cưới hỏi truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay
- Tất cả những phong tục ma chay của người Việt Nam từ xưa đến nay
Ẩm thực của người dân tộc Thái
Thịt trâu đi kèm với các gia vị như mắc khén, hạt dổi… sẽ là những đặc sản mà khi khách ghé thăm dân tộc Thái sẽ được chủ nhà tiếp đãi. Những miếng thịt trâu được hun trên bếp củi tạo ra mùi thơm nồng hấp dẫn hòa quyện với vị cay nồng của gia vị tạo nên hương vị vô cùng đậm đà.
Bên cạnh đó món cá suối nướng trên bếp than hồng ngay ở bìa rừng hay ngoài suối cũng là trải nghiệm ẩm thực mang đặc trưng của người dân tộc Thái.
Tục ở rể của người dân tộc Thái
Các chàng trai dân tộc Thái khi đến tuổi lấy vợ sẽ tự tìm người con gái mà mình thương mến, có tình cảm sau đó sẽ nhờ bố mẹ, ông bà đến nhà cô gái để làm mối. Khi gia đình cô gái đó ưng thuận chàng trai sẽ đến ở rể. Đi ở rể chàng trai sẽ cần mang theo các lễ vật như một con gà đã mổ sẵn, một chiếc áo, một gói cơm, một chai rượu, một cái “Toong bai”- dụng cụ “đựng vía” được làm bằng một sợi dây mây, một đầu được cuộn xoắn lại. Theo quan niệm của người Thái là để đựng vía của chú rể, trong suốt thời gian ở rể chàng trai sẽ được nhà gái đối xử thành viên của gia đình. Tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình mà thời gian ở rể sẽ kéo dài từ vài tháng đến vài năm hoặc ở luôn tại nhà gái.
Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều hiểu biết về phong tục tập quán của dân tộc Thái, nét đặc sắc tiêu biểu trong văn hóa của người dân tộc Thái. Bạn đọc hãy thường xuyên ghé chuyên mục này để có thêm nhiều kiến thức hữu ích khác.